Hình như nó sợ bị mẹ ghẻ, chị ghẻ hành hạ như trong phim truyền hình. Chắc nó không biết kể từ khi biết đến sự tồn tại của nó thì tôi và mẹ đã không còn đủ sức chống chọi với nỗi thất vọng về người đàn ông duy nhất trong gia đình, làm gì còn tâm trí mà bạc đãi nó. Mẹ không đủ nhẫn tâm, tôi không đủ cay nghiệt, để rồi cứ thế nó bước vào tổ ấm chấp vá của gia đình tôi và thổi hết sinh khí đi.
Dạo này mẹ lo lắng và chăm sóc cho nó hơn cả tôi; theo lí luận của bà thì nó còn bé, nó thiếu thốn tình thương nhưng tôi biết vì để ba không phải day dứt mà mẹ xem nó như con ruột của mình. Tôi không hiểu tình yêu vĩ đại mẹ dành cho ba, không hiểu sự cao thượng mẹ dành cho nó, tôi chỉ biết là mình chấp nhận chứ không đón nhận nó.
Có một sự thật rất khó hình dung, con nhóc ấy bị tự kỉ. Điều đó không giống với những trò nghịch ngợm vờ chụp ảnh tâm trạng mà tôi và đám bạn thân hay chơi, đó là một thế giới cô độc thật sự. Nó ăn khi cả nhà chưa đói, ngủ khi mọi người đã thức dậy và luôn đặt một chiếc đồng hồ cát cạnh giường.
Tôi đã chú ý đến chiếc đồng hồ cát ấy từ khi con bé dọn về nhà, bởi nó gần như được làm hoàn toàn bằng tay, với hình dạng bên ngoài là vỏ chai nhựa xấu xí, nhưng những hạt cát bên trong lại mịn và trắng tinh như muối vậy.
- Cái này ở đâu em có vậy?
- Mẹ em làm.
- Cát ở đâu mà đẹp vậy?
- Nơi ba gặp mẹ em.
Đó là đoạn đối thoại dài nhất của chị em tôi. Sau hôm ấy tôi chợt nghĩ có lẽ ba tôi đến với mẹ nó bằng tình yêu thật sự, và tôi hoang mang thế còn tình yêu với mẹ tôi thì là gì? Những câu hỏi không có lời đáp càng khiến tôi lạnh nhạt với ba và xa lánh nó, mặc cho ba luôn nỗ lực quan tâm tôi và chăm sóc mẹ, nhưng lẽ thường là vậy, khi bạn dành tình cảm cho ai đó nhiều hơn người khác một chút thì lúc bị người đó làm cho tổn thương, bạn sẽ đau hơn một chút.
Thấm thoát mà con bé đã sống ở đây hai năm rồi. Nó lớn nhanh và đã ra dáng thiếu nữ, dù vài đường nét còn mờ nhạt. Khu phố tôi ở đúng kiểu văn minh thành thị - lạnh lùng và khép kín. Chẳng ai buồn thắc mắc cô em gái của tôi từ đâu đến, vì sao nó không đi học và càng không ai biết nó bị tự kỉ. Những người đàn ông vô tâm đi qua không rơi một tiếng chào, vài phụ nữ hiếu kì dừng lại và ghé mắt vào nhà tìm gì chẳng rõ, mấy cậu nhóc đứng thừ trước cổng. Chúng tương tư con bé.
- Em gái Hân thật đặc biệt! Cô bé vẽ đẹp lắm đấy, có lần tớ thấy…
- Thấy gì?
- À, đó là bí mật!
Quang tủm tỉm cười. Có gì đó nghẹn lại trong tôi, tôi biết Quang thích nó, nhưng Quang không biết tôi thích cậu ấy. Tôi dần thấy lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình. Mẹ rộng lượng, ba chân thành, còn nó mỗi ngày đều vô tư tận hưởng tình thương của mẹ và sự bù đắp của ba, thế nên chút ghẻ lạnh của tôi với nó bỗng lọt thỏm giữa không gian bốn người mênh mông, nhưng không có chỗ cho sự nhỏ nhen.
- Em và Quang có bí mật gì thế?
- Nam và nữ không thể có chung bí mật.
- Vậy bí mật của em là gì?
- Mọi thắc mắc cho một bí mật đều rất ngu ngốc.
Đây không phải là điều một đứa trẻ 15 tuổi có thể nói ra. Tôi điên tiết với ý nghĩ nó đang trêu chọc mình, giờ tôi có thể khẳng định là tôi ghét nó, thật sự.
Trời đã như vào đông, cái lạnh dìu dịu len qua từng hơi thở. Hôm nay là một ngày chủ nhật lí tưởng cho buổi picnic mừng sinh nhật tôi. Ba đưa cả nhà ra ngoại ô. Chúng tôi dừng lại ở một ngôi nhà ven chiếc hồ nhỏ trong xanh. Tôi lang thang tản bộ khi ba mẹ đang cặm cụi trải thảm, bày biện thức ăn. Tôi thấy con bé đang ngồi một mình trên cỏ và nhìn xuống mặt hồ phẳng lặng, bên cạnh nó là chiếc đồng hồ với những hạt cát đang chầm chậm rơi, khung cảnh ấy đẹp như tranh vẽ.
- Chị tò mò muốn biết thứ này quan trọng với em như thế nào,.
Tôi cầm chiếc đồng hồ cát lên, vờ quay lại sau lưng để đánh lạc hướng con bé rồi nhanh tay quăng khúc gỗ vừa nhặt bên đường xuống hồ. Tôi giấu chiếc đồng hồ sau lưng, hả hê nhìn gương mặt nó biến sắc. Và nó nhảy xuống hồ, nhanh như tôi vứt khúc gỗ vậy. Tôi nhìn nó vẫy vùng trong nước và nhớ tới mẹ khóc một mình trong đêm, nụ cười bí ẩn của Quang, ánh mắt tò mò của hàng xóm. Tất cả tràn về trong tâm trí tôi, lộn xộn nhưng rõ ràng. Tôi mím môi quay lưng bỏ đi, lạnh lùng hơn cả cái rét ngoài trời.
Nó im lặng lắc đầu trước mọi câu hỏi của cảnh sát, dù họ khẳng định có người đã nhìn thấy tôi ở đó, họ nghi ngờ tôi đã đẩy nó. Ba kí vào biên bản thừa nhận đó là một tai nạn, mẹ nhìn tôi ráo hoảnh. Tôi thẫn thờ ra cổng bệnh viện và gặp Quang, tôi ước mình có thể ôm chầm lấy cậu ấy và khóc thật nhiều, nhưng tôi đã không làm vậy.
- Xin lỗi, nếu tớ đi cùng chắc chuyện này đã không xảy ra!
- Nếu cậu có lỗi thì tớ có tội!
Quang nhìn tôi vẻ khó hiểu rồi lấy trong túi áo ra một tờ giấy tập được gấp gọn gàng.
- Quà em gái cậu tặng đây. Cô bé nhờ tớ đóng khung giúp, nhưng tớ nghĩ tặng thế này có ý nghĩa hơn.
Bức tranh vẽ tôi đang ngủ say bên chiếc đồng hồ cát trên bàn học của nó. Đó là hôm tôi lẻn vào phòng nó với ý định đánh cắp chiếc đồng hồ, nhưng rồi tôi mê mẩn những hạt cát trắng tinh, cứ ngắm mãi rồi ngủ quên lúc nào không hay.
Mẹ thấy tôi đứng lấp ló ở cửa phòng bệnh. Bà bước ra khoác cho tôi chiếc áo choàng.
- Nó không phải được sinh ra từ lỗi lầm, mà vì lỗi lầm của người lớn đã làm khổ nó con à!
Tôi đặt chiếc đồng hồ cát bên giường bệnh và dốc ngược nó xuống. Những hạt cát đầu tiên bắt đầu rơi, khởi nguồn cho một yêu thương mới.
Yên Ly
(Nguồn: mực tím)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét